Tập đoàn TH đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm “ô nhiễm trắng”. Tiêu biểu là chiến dịch “Thu gom vỏ hộp – lan tỏa sống xanh” và các sáng kiến nhằm giảm nhựa trong sản xuất.

Ô nhiễm trắng: Bài toán lớn của nhân loại
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết, ô nhiễm nhựa (hay còn gọi là ô nhiễm trắng) đang là vấn đề toàn cầu, và là một trong những vấn đề môi trường lớn nhất mà nhân loại và hành tinh đang phải đối mặt.
Toàn thế giới sản xuất hơn 430 triệu tấn nhựa mỗi năm. Hai phần ba trong số đó là các sản phẩm có tuổi thọ ngắn và sớm trở thành rác thải.
Mỗi ngày, lượng rác thải nhựa tương đương 2.000 xe chở rác chứa đầy nhựa được đổ vào các đại dương, sông ngòi và hồ trên thế giới. Mỗi năm, 19-23 triệu tấn rác thải nhựa rò rỉ vào hệ sinh thái dưới nước, gây ô nhiễm hồ, sông và biển.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm có 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó khoảng 0,28 triệu-0,73 triệu tấn bị thải ra biển. Chỉ 27% tổng lượng rác thải nhựa được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở và doanh nghiệp.
Tính riêng trong ngành FMCG (hàng tiêu dùng nhanh), rác thải nhựa, đặc biệt là các loại bao bì dùng một lần, đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến môi trường.
Khi nói đến rác thải nhựa, nhân loại đứng trước 2 vấn đề khó khăn. Thứ nhất là số lượng rác thải nhựa ngày càng nhiều. Thứ hai, quá trình tái chế chúng gặp nhiều khó khăn.
Thách thức trong việc tái chế nhựa đến từ rất nhiều công đoạn, có thể kể đến như phân loại nhựa sai; chi phí cao (từ việc thu gom, làm sạch, và nấu chảy nhựa); chất lượng nhựa tái chế thấp (điều này đòi hỏi công nghệ cao); cuối cùng là ý thức cộng đồng chưa cao.
Từ một giây xả thải đồ nhựa đến… 1.000 năm hệ lụy khôn lường
Nhựa gây ô nhiễm môi trường theo hai cách: tác hại trực tiếp từ các đồ nhựa bị vứt ra môi trường; tác hại gián tiếp từ quá trình sản xuất (giải phóng hóa chất độc hại).

Rác thải nhựa đang gây ra hậu quả tàn khốc cho con người và hệ sinh thái. Ảnh minh họa: Paula Bronstein/Getty Images
Bị rơi xuống đất, ném ra khỏi cửa sổ ô tô, chất đống vào thùng rác đã đầy hoặc vô tình bị gió thổi bay…, rác nhựa ngay lập tức gây ô nhiễm môi trường. Việc này chỉ mất chưa đầy một giây nhưng hệ lụy của nó đến môi trường dai dẳng đến đáng sợ, bởi tùy theo loại nhựa khác nhau, rác nhựa phải mất từ 10 năm đến hàng trăm năm, thậm chí là hàng nghìn năm mới phân hủy hết.Cả khi không bị vứt bừa bãi, nhựa vẫn gây ô nhiễm môi trường thông qua việc giải phóng các hợp chất như phthalates, bisphenol A (BPA), và polybrominated diphenyl ether (PBDE) được sử dụng trong quá trình sản xuất.
Rác thải nhựa đang gây ra hậu quả tàn khốc cho động vật hoang dã, hệ sinh thái, sức khỏe con người và nền kinh tế toàn cầu.
Vậy đâu là giải pháp?
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ hành động cấp thiết để hạn chế tình trạng ô nhiễm rác nhựa.
Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa, mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn để biến rác thải thành tài nguyên thay vì thải ra môi trường.
Tái chế rác thải nhựa giúp kéo dài vòng đời của vật liệu, giảm thiểu lượng nhựa thải ra môi trường và hạn chế phát sinh khí nhà kính từ việc sản xuất nhựa mới. Trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050, việc quản lý và tái chế rác thải nhựa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tập đoàn TH tiên phong thực hiện chuỗi hành động giảm rác thải nhựa
Đồng hành cùng quyết tâm và cam kết của Chính phủ Việt Nam về Net Zero cũng như nhằm thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), nhiều doanh nghiệp thực phẩm trong đó có Tập đoàn TH đã thực hiện những hành động bền bỉ nhằm giảm nhựa trong sản xuất và đẩy mạnh thu gom bao bì phục vụ tái chế.
365 ngày giảm nhựa, cuối năm tiết kiệm hàng chục tỷ đồng
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc Phát triển Bền vững Tập đoàn TH cho biết: “Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của TH đều đi theo tôn chỉ “Trân quý Mẹ Thiên nhiên” và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh ô nhiễm nhựa đang là vấn nạn toàn cầu, TH tiên phong với những cam kết đi đôi cùng hành động vì sự phát triển bền vững”.

Trọng lượng vỏ chai nước TH true WATER trước và sau khi giảm nhựa.
Theo chia sẻ của bà Thủy, Tập đoàn TH thực hiện giảm nhựa trong sản xuất với nhiều sáng kiến hành động.
Giảm trọng lượng chai nhựa: Từ năm 2023, Nhà máy Nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên áp dụng sáng kiến giảm trọng lượng phôi chai nhựa. Trong đó, dòng nước trái cây giảm 12% trọng lượng phôi chai; nước tinh khiết giảm từ 8-17% trọng lượng phôi chai, tùy dung tích. Kết quả, giảm được tổng 500 tấn nhựa, tương đương tiết kiệm số tiền gần 5,9 tỷ đồng mỗi năm.

Bỏ màng co plastic trên nắp chai: Lớp nilon bao bên ngoài nắp chai được loại bỏ ở toàn bộ các sản phẩm nước tinh khiết TH true WATER, giúp giảm 4 tấn nhựa mỗi năm – tương đương tiết kiệm 4,2 tỷ đồng.
Giảm độ dày nhãn mác chai: Nhà máy Nước tinh khiết Núi Tiên giảm 30% độ dày của nhãn mác bọc chai trên các một số dòng sản phẩm đồ uống, giúp giảm hơn 20 tấn nhựa mỗi năm.

Sáng kiến giảm 30% độ dày của nhãn mác chai đã giúp Nhà máy Nước tinh khiết Núi Tiên giảm 21 tấn nhựa trong năm 2023.
Bằng những hành động thiết thực, TH true MILK đã cắt giảm được hơn 600 tấn nhựa và giúp tiết kiệm khoảng 16 tỷ đồng mỗi năm. Điều này cho thấy nỗ lực giảm nhựa không chỉ là việc chung tay bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt.
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy cho biết thêm, TH triển khai từ nhiều năm trước các giải pháp giảm nhựa như thay thế túi nilon dùng một lần tại hệ thống TH true mart bằng túi làm từ chất liệu nhựa sinh học thân thiện hơn với môi trường. Thìa sữa chua TH true YOGURT cũng được làm từ chất liệu có thể phân hủy được. Màng bọc lốc sản phẩm cũng được nghiên cứu làm mỏng hơn và bằng chất liệu thân thiện môi trường hơn.
Chiến dịch thường niên “Thu gom vỏ hộp – lan tỏa sống xanh”
Bên cạnh các sáng kiến và giải pháp tiêu dùng bền vững, thương hiệu TH true MILK còn gây ấn tượng mạnh mẽ với chiến dịch “Thu gom vỏ hộp – lan tỏa sống xanh” được tổ chức hàng năm tại hệ thống cửa hàng TH true mart.
TH phối hợp với các đơn vị để thu gom vỏ hộp sữa để phục vụ tái chế, sản xuất ra những sản phẩm hữu ích và thân thiện với môi trường như thùng carton, túi giấy, sổ tay, móc áo, chậu trồng cây, tấm lợp sinh thái, bàn ghế…
Đây cũng là cách Tập đoàn TH thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất bên cạnh những hoạt động dài hạn khác như tham gia sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) – nỗ lực vì một Việt Nam sạch bóng vỏ bao bì; đồng sáng lập Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam (VB4E), hưởng ứng Liên minh Các nhà bán lẻ giảm thiểu rác thải nhựa…
Trong năm 2024, chiến dịch “Thu gom vỏ hộp – lan tỏa sống xanh” của TH true MILK đã thu gom được hơn 4,2 tấn bao bì, cao gấp đôi so với năm trước đó.

Chiến dịch “Thu gom vỏ hộp – lan tỏa sống xanh” được tổ chức hàng năm tại hệ thống cửa hàng TH true mart. Ảnh: Thugomvohop.thmilk.vn
Các sản phẩm TH true MILK không chỉ ra đời từ chuỗi sản xuất xanh, tuần hoàn khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch”, với công nghệ hàng đầu thế giới, mà còn được cải tiến liên tục thông qua những sáng kiến tiêu dùng bền vững. Trong đó, giảm nhựa là phần quan trọng trong Chiến lược Phát triển bền vững của Tập đoàn TH, góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon và Net Zero. Cùng với giảm nhựa, TH thực hiện hàng loạt sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính và mới đây công bố đạt trung hòa carbon tại hai đơn vị chủ chốt gồm các công ty sở hữu Nhà máy sữa tươi sạch TH true MILK và Nhà máy Nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên.
Bảo Hà