Hà Nội với phong cảnh hữu tình, con người thanh lịch cùng bề dày văn hóa, lịch sử đang đối mặt với những thách thức về môi trường, khi mật độ dân số đông, phương tiện giao thông tấp nập,… Thông qua video siêu ngắn để quảng bá du lịch Hà Nội, truyền tải thông điệp về môi trường là bài toán khó với các thí sinh. 25 thí sinh chia thành 4 đội, được hỗ trợ bởi đội quay dựng video chuyên nghiệp, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Dương Vũ.
![]() |
Nhóm 1 với chủ đề hơi thở lịch sử và văn hóa |
Ngọt ngào dư vị, náo nức thanh âm
Nhóm 1 gồm các thí sinh Trần Minh Thu, Bùi Thùy Nhiên, Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Hương Giang, Võ Đoàn Bảo Hà, Nguyễn Mai Phương, Lê Thị Mỹ Dung. Họ chọn chủ đề hơi thở lịch sử và văn hóa, với những địa chỉ nổi tiếng như cầu Thê Húc, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Chùa Trấn Quốc, Hoàng thành Thăng Long…
Trong cảm nhận của thí sinh Lê Thị Mỹ Dung (đến từ Kiên Giang), Hà Nội luôn đẹp nhẹ nhàng, cổ kính. Nhóm 1 mong muốn làm video giới thiệu một Hà Nội vừa hiện đại, vừa truyền thống, là sự pha trộn giữa mới và cũ, xưa và nay. Họ bắt đầu bằng cảnh trên cầu Thê Húc, một trong những biểu tượng của Thủ đô. Để làm nổi bật “cầu Thê Húc rực đỏ nối đất với trời”, thí sinh nhóm 1 đề nghị đội quay sử dụng thiết bị flycam, chớp khoảnh khắc đẹp từ trên cao. Một điểm nhấn khác được nhóm 1 lựa chọn trong video 90 giây là quần thể di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, để tôn vinh kiến trúc, tinh thần hiếu học, sự thân thiện với môi trường.
![]() |
Nhóm 2 với chủ đề Hà Nội 36 phố phường |
Hà Nội 36 phố phường, tên cuốn bút ký nổi tiếng của cố nhà văn Thạch Lam, chính là chủ đề mà nhóm 2 lựa chọn. Nhóm 2 gồm các thí sinh: Nguyễn Hoàng Mỹ Vân, Hà Trúc Linh, Hoàng Thị Tú Anh, Nguyễn Thị Vân Nhi, Nguyễn Phương Nhi, Hồ Ngọc Phương Linh. Nhiều thí sinh lo lắng bởi thời gian quá ngắn mà cần quay quá nhiều cảnh. Thí sinh Nguyễn Hoàng Mỹ Vân lại trăn trở cách nào để người dân đồng ý cho quay hoạt động của họ. Đạo diễn gợi ý nên liên hệ trước.
Với chủ đề Hà Nội 36 phố phường nhóm 2 mong muốn video siêu ngắn có hơi thở vừa truyền thống, vừa hiện đại, lại rất đời thường. Tệp khán giả mà nhóm 2 hướng đến chính là những người trẻ. Làm thế nào để tích hợp 36 phố phường trong 90 giây? Quay cả 36 phố phường hay lựa chọn? Đạo diễn tư vấn chỉ có một ngày quay nên hãy chọn cảnh quay phù hợp. Nhóm 2 đã tận dụng một ngày làm việc hiệu quả. Họ không chỉ giới thiệu những con phố hoài niệm của Thủ đô trong nhịp sống hôm nay, mà còn đưa người xem tới làng gốm Bát Tràng. Tại làng nghề trăm tuổi của Hà Nội, các thí sinh chọn điểm nhấn là cảnh nghệ nhân làm gốm.
Hà Nội không chỉ đẹp và giàu qua di tích, đền đài, những con phố cổ, mà còn đẹp trong những thanh âm của cuộc sống, từ tiếng piano trong căn nhà đổ, tiếng rao đêm, tiếng ve kêu những đêm hè… Nhóm 3 bao gồm: Trần Ngọc Châu Anh, Nguyễn Thanh Thảo, Đinh Hoàng Linh Đan, Hoàng Thị Hiền Nhi, Lê Hoàng Khánh Linh, Đoàn Thị Diệu Huyền. Sáu thí sinh gửi tặng người yêu Hà Nội bản giao hưởng cuộc sống. Họ chia sẻ cách nhìn mới mẻ về thanh âm của Hà Nội hôm nay.
![]() |
Nhóm 3 với chủ đề bản giao hưởng cuộc sống |
Thí sinh Đinh Hoàng Linh Đan muốn ghi lại thanh âm của nhịp bước các chiến sĩ trong nghi lễ thượng cờ và hạ cờ ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thí sinh lại chọn tiếng chuông ngân ở Nhà thờ Lớn. Trần Ngọc Châu Anh, sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam đưa ý tưởng mang tiếng đàn violin vào video để nâng tầm giá trị âm thanh. Nhóm 3 còn khoe tài múa với các nghệ sĩ biểu diễn violin. “Chèn thêm cảnh múa sẽ tạo ra được sự chuyển động cùng với âm thanh”, thí sinh Đinh Hoàng Linh Đan nói.
![]() |
Nhóm 4 với chủ đề ẩm thực của ký ức và giao thoa |
Nhắc đến Hà Nội không thể không nhắc tới ẩm thực. Ẩm thực Hà Nội từng đi vào trang văn của các nhà văn nổi tiếng Việt Nam như Nguyễn Tuân, Thạch Lam… Nhóm 4 với các thí sinh Phạm Thị Thanh Xuân, Nguyễn Phương Chi, Phạm Thùy Dương, Trần Huyền Cơ, Nguyễn Thị Thanh Bình, Hà Thị Giang Thanh đưa người xem dạo một vòng Hà Nội với những món ăn bình dân gây xao xuyến cho bao người xa quê: cháo sườn, cà phê trứng… và không thể thiếu phở bò.
Họ chọn quán phở bò không bảng hiệu trên đường Ấu Triệu, mỗi bát phở ở đây từng được cẩm nang Michelin đánh giá như “một bữa tiệc của các giác quan”. Các cô gái còn giới thiệu thức uống của Hà Nội đang gây sốt trong giới trẻ – trà chanh. Họ chọn màu sắc video hoài cổ nhưng muốn thể hiện tinh thần trải nghiệm ẩm thực trẻ trung.
Thử thách dựng video 90 giây còn là cơ sở đánh giá các thí sinh ở kỹ năng làm việc nhóm. Đạo diễn Dương Vũ dành nhiều lời khen cho Top 25 Hoa hậu Việt Nam 2024. Bởi sự tự tin, tinh thần sáng tạo, tính chủ động, tích cực trong suốt quá trình làm video.
Các thí sinh truyền tải thông điệp môi trường kín đáo qua việc sử dụng trang phục bằng những chất liệu thân thiện với môi trường, bằng cách nói không với những dụng cụ ăn uống từ chất liệu nhựa…