Diễn giả chính tại tọa đàm là những chuyên gia giàu kinh nghiệm và tâm huyết trong việc đồng hành, truyền cảm hứng cho sinh viên: Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng ban Sinh viên – Hoa Học Trò, Báo Tiền Phong; ThS. Lê Tuấn Linh – Giảng viên, Bí thư Liên chi đoàn Khoa Kinh tế và Kinh doanh Đại học Phenikaa; Th.S Vũ Anh Đức – Giám đốc Đào tạo Hệ thống Arena Multimedia.
![]() |
Đại diện Báo Tiền Phong và Hệ thống Đào tạo Arena Multimedia trao tặng 100 cuốn sách “Trường học hay Trường đời” bản in năm 2024 cho đại diện Đại học Phenikaa. |
Chương trình còn có sự góp mặt của ông Lê Hồng Hải – Hiệu trường Hệ thống Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia, ông Trần Nguyễn Lâm Thành – Giám đốc Marketing Hệ thống Đào tạo Arena Multimedia cùng đông đảo các giảng viên, sinh viên Đại học Phenikaa.
![]() |
Đại diện Đại học Phenikaa tặng hoa cảm ơn các đơn vị đồng tổ chức và các diễn giả. |
Xuyên suốt chương trình, ba diễn giả đã chia sẻ nhiều góc nhìn sâu sắc xoay quanh hành trình tự lập và thích nghi của sinh viên trong thời đại chuyển đổi số. Từ những băn khoăn về việc liệu kiến thức truyền thống có còn phù hợp, cho đến thắc mắc về vai trò của các ngành liên quan đến công nghệ, đổi mới sáng tạo – tất cả đều được giải đáp trên tinh thần cởi mở và thực tế.
Nhà báo Tuấn Anh thẳng thắn cho rằng: “Những kiến thức truyền thống cơ bản vẫn giữ nguyên giá trị, nhưng nếu sinh viên không cập nhật công cụ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), rất dễ bị bỏ lại phía sau. AI hiện nay có thể tạo ra hàng nghìn nội dung chỉ trong vài giây với chất lượng ngày càng cao. Nếu chúng ta không phát triển kỹ năng vượt lên, chúng ta sẽ bị thay thế”. Theo nhà báo, sinh viên cần học cách làm chủ công nghệ thay vì e ngại công nghệ sẽ thay thế mình.
ThS. Vũ Anh Đức đồng tình: “Công nghệ chỉ là công cụ, còn cốt lõi vẫn là tư duy và hiểu biết chuyên môn. Dù là truyền thông, thiết kế hay kinh doanh, điều quan trọng là bạn phải hiểu mình phục vụ ai, mục tiêu là gì và làm thế nào để sản phẩm của mình tạo ra giá trị.”
![]() |
ThS. Vũ Anh Đức: “Công nghệ chỉ là công cụ, còn cốt lõi vẫn là tư duy và hiểu biết chuyên môn. Dù là truyền thông, thiết kế hay kinh doanh, điều quan trọng là bạn phải hiểu mình phục vụ ai, mục tiêu là gì và làm thế nào để sản phẩm của mình tạo ra giá trị.” |
Liên quan đến câu hỏi về những ngành học “có tương lai”, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh rằng không nên chạy theo ngành “hot” nhất thời, đồng thời giới thiệu thuyết con nhím trong lựa chọn nghề nghiệp, nhấn mạnh rằng một lựa chọn nghề nghiệp lý tưởng cần hội tụ ba yếu tố: điều bạn giỏi, điều bạn đam mê và điều xã hội cần: “Nếu thiếu một trong ba, rất khó để bạn theo đuổi nghề đó lâu dài và đạt được thành công thực sự,” anh chia sẻ.
![]() |
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh giao lưu cùng sinh viên Đại học Phenikaa. |
Trước câu hỏi về những kỹ năng cần thiết khi bước vào thị trường lao động, cả ba diễn giả đều nhấn mạnh vai trò của kỹ năng mềm và khả năng thích nghi. Đặc biệt, một kỹ năng được cả ba thống nhất là vô cùng quan trọng, đó chính là kỹ năng tự học và học tập suốt đời.
Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các diễn giả cũng đi sâu vào những câu hỏi thiết yếu như: nên ưu tiên tự lập tài chính hay tự lập tư duy trước; làm thế nào để không bị lệ thuộc vào trí tuệ nhân tạo; và làm sao để tạo ra sự khác biệt giữa một thế giới tràn ngập sản phẩm do AI tạo ra… Những nội dung này không chỉ chạm đến mối quan tâm chung của sinh viên mà còn mở ra những kiến thức thực tế để mỗi người trẻ có thể tồn tại, phát triển và tỏa sáng giữa thị trường lao động đầy cạnh tranh.
Tại chương trình, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh truyền đạt đến sinh viên Đại học Phenikaa “công thức 10-20-70” – bí kíp học tập hiệu quả mà anh đã chia sẻ rộng rãi tại nhiều trường đại học: 10% kiến thức đến từ trường lớp, 20% từ những người xung quanh, và tới 70% đến từ trải nghiệm thực tế.
“Vấn đề là: không có cái lõi 10% kia thì bạn rất khó hấp thụ được 90% còn lại. Học ở trường vẫn là nền tảng không thể thiếu,” anh khẳng định. Nhưng đồng thời, nhà báo cũng lấy ví dụ về những sinh viên giỏi, đạt thủ khoa khi ra trường bị tụt lại so với những người học trung bình nhưng liên tục tự học và tích lũy trải nghiệm.
Bên cạnh đó, anh nhấn mạnh rằng trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra hàng loạt sản phẩm trong thời gian ngắn, điều giúp mỗi cá nhân thực sự tạo ra sự khác biệt chính là khả năng xây dựng thương hiệu cá nhân: “Bạn cần có một điểm gì đó thật ‘sâu’ – một sở trường, một lĩnh vực hiểu biết đặc biệt, USP (Unique Selling Point) – để tạo dấu ấn.” Anh khuyên sinh viên xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua việc phát triển một USP nổi bật, như phân tích phim, viết lách, nghiên cứu hay sáng tạo nội dung.
![]() |
Các diễn giả và đại diện các đơn vị tổ chức check-in cùng hàng trăm tân sinh viên tham dự chương trình. |
Kết thúc tọa đàm, ba diễn giả gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc tới sinh viên. ThS. Lê Tuấn Linh nhấn mạnh rằng học tập suốt đời không chỉ là một khẩu hiệu, mà là một thói quen sống còn trong thời đại biến động:
“Việc học không dừng lại sau 4 năm đại học. Khi ra trường, các bạn vẫn sẽ tiếp tục học – chỉ là không còn ở giảng đường, mà thông qua tự học và tự rèn luyện mỗi ngày.”
ThS. Vũ Anh Đức chia sẻ thực tế rằng: “Học bất cứ điều gì, dù là kiến thức hay kỹ năng, đều đòi hỏi sự kiên trì. Giống như việc sưu tầm hay chơi một môn nghệ thuật – để giỏi, bạn cần đầu tư thời gian, tâm huyết và cả tinh thần vượt khó. Cuộc sống sẽ có những giai đoạn rất áp lực, nhưng nếu biết mình mạnh ở đâu, đam mê điều gì, bạn sẽ tìm ra cách để tiếp tục học và phát triển.”
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh đưa ra 4 lời khuyên cụ thể dành cho các sinh viên: “Hãy học tốt một ngoại ngữ, chơi tốt một môn thể thao, duy trì việc đọc sách. Đặc biệt, hãy tìm một người thầy để học hỏi”.
Ảnh: Lê Vượng – Mỹ Thục