Người đẹp mang nước sạch, ánh sáng về buôn làng

Từ ngày 21 đến ngày 24/7, hàng trăm bạn trẻ xã Ia Đêr (huyện Ia Grai, Gia Lai) đã hào hứng theo dõi và góp sức hỗ trợ 2 người đẹp được chọn vào vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam năm 2016

Từ ngày 21 đến ngày 24/7, hàng trăm bạn trẻ xã Ia Đêr (huyện Ia Grai, Gia Lai) đã hào hứng theo dõi và góp sức hỗ trợ 2 người đẹp được chọn vào vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam năm 2016 thực hiện các dự án tài trợ điện sáng, nước sạch cho địa phương.

Nơi triển khai dự án nhân ái của 2 thí sinh xinh đẹp này, là 9 điểm trường đặc biệt khó khăn thiếu thốn thuộc trường mầm non 30/4.

Theo cô hiệu phó Tăng Thị Thu Hà, trường có tổng cộng 10 điểm trường. Ngoài phân hiệu chính tương đối khang trang, còn lại 9 điểm trường trực thuộc xây dựng rất đơn sơ, thiếu tiện nghi, chưa có điện lưới nên thầy cô bất đắc dĩ phải xin câu nhờ nguồn điện phập phù từ nhà các hộ dân trong xóm.

Điện không ổn định thì rất khó áp dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại, khiến tiết học thiếu sinh động, kém hứng thú đối với học sinh. Vào những ngày nắng nóng, giáo viên và học sinh càng khổ sở vì không có quạt.

Nước sinh hoạt còn gay go hơn, do các điểm trường không có hệ thống bồn chứa, nhiều giếng đã từ lâu không sử dụng được. Giáo viên phải xách từng xô đi xin nước nhà dân nên việc vệ sinh cho các cháu và lớp học hết sức hạn chế. “Thiếu điện, nước gây nhiều trở ngại trong sinh hoạt, ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy của nhà trường”, cô Hà cho biết.

Trong những ngày ở đây, nhóm thực hiện dự án Hoa hậu nhân ái đã kéo đường dây điện, lắp quạt máy, khoan, đào, nạo vét giếng cho 9 điểm trường. Hòa đồng cùng hàng chục đoàn viên thanh niên địa phương xắn tay áo làm vệ sinh, sơn sửa, trang trí lớp học, thí sinh vòng chung kết Hoa Hậu Việt Nam 2016 mang số báo danh 179 Nguyễn Bảo Ngọc cho biết cô được nếm mùi lao động vất vả, nhưng rất vui.

Bảo Ngọc sinh năm 1998, đến từ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đây là lần đầu tiên rời khỏi Thủ đô, cũng là lần đầu tiên được… đi máy bay, lại vào tận buôn làng vùng sâu Tây Nguyên. Gạt mồ hôi trên gương mặt trắng hồng, cô cười nói với chúng tôi: “Từ bé tới giờ em chỉ quanh quẩn từ nhà đến trường, chỉ biết ăn rồi học. Thật bất ngờ là nhờ đi thi hoa hậu, mà em được tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn ở buôn làng, nên rất muốn làm điều gì đó, dù là nhỏ, giúp các em nhỏ ở xã Ia Đêr có cuộc sống tốt hơn”.

Hơn Bảo Ngọc một tuổi, đến từ Mê Linh, Hà Nội, Phan Thu Phương (sinh năm 1997, số báo danh 236) cũng xác nhận đây là lần đầu tiên cô thấm thía thật sự nỗi thiếu thốn nhiều bề nơi huyện xã xa xôi. Bù lại, Thu Phương thích thú với sự thật thà, chất phác của cư dân bản địa. Nhìn thấy ánh mắt và tiếng reo cười vỡ òa niềm vui của thầy trò các điểm trường khi tập trung về xem kết quả tài trợ điện, nước của chương trình, Thu Phương chia sẻ, cô cảm thấy rất tự hào vì đã góp được một phần công sức vào việc giúp việc dạy và học tại những điểm trường hoang sơ này được cải thiện thuận lợi, dễ chịu hơn trước.

Rửa mặt bằng gáo nước mát trong múc từ lòng giếng vừa được nạo vét, ông Puih Blí-Chủ tịch UBND xã Ia Đêr khoan khoái nói: Xã có hơn 90% dân số là đồng bào J’rai, người lớn cả ngày lên rẫy lao động cực nhọc, trẻ em phải học trong điều kiện cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Các người đẹp nhân ái trao tặng điện nước cho nơi này là việc làm có ý nghĩa động viên lớn không chỉ thầy trò toàn trường mầm non 30-4, mà còn giúp đồng bào toàn xã vui lây.

Bảo Ngọc cùng các đoàn viên tham gia sơn, lau dọn, làm đồ chơi và trang trí lớp học.
Thu Phương giao lưu cùng trẻ em dân tộc thiểu số.
Bàn giao công trình nước sạch cho trường học, trao tặng đồ chứa nước cho người dân.
Bàn giao lớp học đã được đóng điện quốc gia 

H.T.N.- Thiên Linh